CẦN LÀM GÌ TRƯỚC KHI CẢ MIỀN NAM NGẬP DƯỚI ĐỈNH TRIỀU NĂM 2050?

CẦN LÀM GÌ TRƯỚC KHI CẢ MIỀN NAM NGẬP DƯỚI ĐỈNH TRIỀU NĂM 2050?

Việt Nam cần yêu cầu các quốc gia ở thượng nguồn phải có trách nhiệm với nước hạ nguồn, giảm khai thác nước ngầm để hạn chế hiện tượng sụt lún và đánh giá lại mật độ xây dựng.

Nghiên cứu mới vừa được Climate Central công bố trên tạp chí Nature Communications hôm 29/10 chỉ ra rằng miền Nam Việt Nam có nguy cơ bị ngập dưới đỉnh triều vào năm 2050, thay vì một số khu vực như các dự báo trước đây. Trong đó, phần lớn diện tích ở TP.HCM cũng sẽ nằm dưới mực nước triều.

Đồng hành cùng nhóm nghiên cứu của Climate Central trong suốt 3 năm thực hiện dự án, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ, khẳng định kết quả này là “chính xác” và Việt Nam cần khẩn trương hơn trong các biện pháp giảm lún và chống ngập để cứu nguy cho toàn đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

NGUY HIỂM CHO AN NINH LƯƠNG THỰC

Trao đổi với Zing.vn, ông Tuấn cho biết hai nhà khoa học, Scott A. Kulp và Benjamin H. Strauss (Giám đốc điều hành Climate Central), đã phối hợp với Đại học Cần Thơ, đặc biệt trong các chuyến thực địa, để thực hiện nghiên cứu dự báo về ảnh hưởng của mực nước biển dâng, tác động đến miền Nam Việt Nam.

Giải thích về cách đo mới của nhóm nghiên cứu, ông Tuấn cho biết các kịch bản ngập trước đây thường dựa vào mốc cao độ quốc gia để đo mức độ lún và dự báo ngập.

Tuy nhiên, các chuyên gia sau này phát hiện bản thân các mốc cao độ cũng lún theo thời gian, mang lại kết quả không chính xác. Thủ pháp mới áp dụng dùng vệ tinh đo nhiều góc khác nhau giúp hiệu chỉnh các sai số của phương pháp cũ.

“Cụ thể, các vệ tinh phóng tia sáng xuống mặt đất, tia này sau đó phản hồi. Từ vận tốc của tia sáng và thời gian tia sáng phản hồi sẽ cho ra kết quả khoảng cách nhanh và chính xác hơn nhiều so với phương pháp cũ. Tôi nhận thấy so với các kết quả trước đây, ĐBSCL thấp hơn trước (so với mực nước biển) rất nhiều”, PGS.TS Tuấn lý giải.


Bản đồ so sánh dự báo ngập nước tại miền Nam Việt Nam theo cách tính cũ và cách tính mới. Đồ họa: The New York Times.

Nguyên nhân gây lún được nhận định do mật độ xây dựng ngày càng nhiều, đặc biệt ở các TP lớn cùng với tình trạng khai thác cát và nước ngầm tràn lan. Thêm vào đó là nguồn phù sa trên biển bị giữ lại ở các đập thủy điện làm cho các vùng đồng bằng lún từ từ.

Việc ĐBSCL ngày càng lún dần qua các năm sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực quốc gia bởi đây là vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản và cây ăn trái lớn nhất Việt Nam.

Cụ thể, đồng bằng lún thì nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào đất liền, thu hẹp diện tích trồng lúa và cây ăn trái; nguồn nuôi cá nước ngọt cũng sẽ bị thay thế bằng nguồn nuôi cá nước mặn.

Cùng với đó là gián đoạn trong hoạt động kinh tế, văn hóa, hành chính gây thiệt hại lớn. Áp lực di cư từ những người dân mất đất cũng là gánh nặng lớn cho quốc gia.

Trong khi đó, các biện pháp đối phó vô cùng tốn kém. “Hiện mỗi năm vùng ĐBSCL mất đi khoảng 500-550 ha. Không một lợi ích kinh tế nào có thể bù đắp sự mất mát này”, ông Tuấn nhận định.

CẦN TRÌ HOÃN TỐI ĐA TIẾN TRÌNH LÚN

Nhà khoa học Benjamin H. Strauss chỉ ra trong nghiên cứu rằng các quốc gia cần đầu tư một khoản tiền lớn hơn vào việc bảo vệ các thành phố nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp phòng thủ.

Đồng tình, PGS.TS Tuấn cho rằng Việt Nam cần thừa nhận sự thật “không làm gì đồng bằng cũng sẽ lún” vì nơi đây có nền đất yếu, sẽ ngày càng bị nén chặt lại. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần khẩn trương tiến hành các giải pháp để làm chậm tiến trình này.

Thứ nhất, Việt Nam cần yêu cầu các quốc gia ở thượng nguồn như Trung Quốc và Lào phải có trách nhiệm với quốc gia hạ nguồn. Cụ thể, các quốc gia này không nên xây dựng bừa bãi đập thủy điện bởi những công trình này sẽ giữ lại phù sa.

“Đồng bằng được nuôi bằng phù sa bồi đắp hàng năm nên việc phù sa bị giữ lại ở thượng nguồn sẽ dẫn tới đói phù sa. Khi nước có phù sa lẫn lộn sẽ chảy chậm hơn do tải nặng. Còn khi không còn phù sa, nước nhẹ hơn sẽ dẫn đến hiện tượng ‘đói’ phù sa và nó sẽ ‘ăn’ hai bên bờ sông, gây gia tăng sạt lở”, ông Tuấn lý giải.


Việt Nam cần sớm có giải pháp trì hoãn ngập cho ĐBSCL. Ảnh: Ngọc An.

Thứ hai, cần giảm khai thác nước ngầm bởi việc hạ thấp mực nước ngầm sẽ dẫn tới hiện tượng sụt lún các lớp đất đá trong tầng chứa nước do tại đây luôn có lực đẩy để nâng các khối đất đá lên.

Khi khai thác nước ngầm quá mức sẽ làm mực nước hạ thấp, tầng đất này không còn lực đẩy và hình thành các lỗ hổng lớn, dẫn tới sụt lún công trình. Do đó, PGS.TS Tuấn đề xuất cần có giải pháp trữ nước lũ hoặc nước mưa; đồng thời không lấy nước ngầm để trồng lúa, nuôi tôm bởi các hoạt động này sử dụng nguồn nước rất lớn.

Thứ ba, cần đánh giá mật độ xây dựng so với nền đất nhằm điều chỉnh mật độ xây dựng đang dày đặc và cục bộ khiến tình trạng lún càng trầm trọng. Cuối cùng, cần có biện pháp hạn chế sử dụng vật liệu cát trong các công trình xây dựng hoặc sử dụng cát nhân tạo nhằm hạn chế tình trạng khai thác cát tràn lan.

Theo news.zing.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *